Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

(40) Nhiếp ảnh gia thời hiện đại

03:40:24 PM | 27/02/2012






Đường nét vùng cao-bức ảnh đoạt HCB, Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2008


Thoạt nhìn Trần Phan, người ta đã thấy anh có dáng nghệ sỹ, điều đó bộc lộ từ ăn mặc đến phong cách. Và khi anh vai đeo ba lô, tay khoác máy ảnh, chân giày dã chiến thì đích thị là tay “săn ảnh” nghệ thuật có nghề, dù chỉ là một nhiếp ảnh gia tự do. Hơn 20 năm cầm máy ảnh, 10 năm tham dự các cuộc thi ảnh trong nước, Trần Phan đã gặt hái được thành công kha khá, đủ để người trong nghề và ngoại đạo ghi nhận và thán phục.

Trần Phan đến với nhiếp ảnh giống như cái duyên, mà cao hơn, theo cách Phan gọi là “định mệnh” bởi niềm đam mê từ thủa nhỏ. Phan có năng khiếu mỹ thuật từ rất sớm, viết chữ đẹp, trang trí báo tường, cắt chữ và vẽ vời khi rảnh rỗi là sở trường của anh. Nhưng chính Phan cũng không hiểu, không gọi tên được niềm đam mê ấy, chỉ biết rằng nó luôn thôi thúc trong anh, nếu như một lần khi còn đang học cấp 2, anh tình cờ nhìn thấy người thợ ảnh đang chọn khuôn hình và bấm máy. Vào khoảnh khắc đó, Phan hiểu mình muốn gì. Niềm khao khát được cầm máy ảnh cứ lớn dần lên trong anh.

Đang học dở lớp 10, Phan có lệnh gọi đi bộ đội, môi trường quân ngũ không chỉ rèn luyện anh mọi mặt mà còn tạo cơ hội để anh có thể thực hiện ước mơ. Năm 1982, khi đó anh đang làm công tác tuyên huấn ở Trường đào tạo lái xe của quân chủng phòng không, không quân, Phan được cử đi tập huấn lớp nghiệp vụ nhiếp ảnh do Báo ngành tổ chức, trở thành cộng tác viên nhiệt tình của Báo Phòng không không quân và Quân đội nhân dân, thường xuyên ghi lại những hình ảnh, sự kiện đơn vị làm tư liệu. Dốc hết tiền lương tiết kiệm bao năm, vay thêm anh em, bạn bè, Phan “liều” mua một chiếc máy phóng ảnh thủ công để có thể chủ động từ A đến Z , bao gồm chụp, tráng phim, phóng ảnh.

Năm 1991, anh xuất ngũ, bố vợ Phan lúc đó là Bí thư huyện uỷ Gia Lương muốn xin cho anh vào công tác tại huyện uỷ, song Phan từ chối. Anh tự nhận mình vốn có “máu” văn nghệ sỹ, luôn mơ ước sống cuộc đời tự do, được làm những việc mình thích. Quyết định về quê ở phố Ngụ, xã Nhân Thắng (Gia Bình) mở hiệu ảnh, Phan không nề hà bất cứ việc gì liên quan đến mỹ thuật: làm quảng cáo, nặn tượng, quay phim, chụp ảnh dịch vụ, một phần nuôi gia đình, phần khác dành kinh phí đi dã ngoại, sáng tác.

Năm 1993, anh theo học lớp đạo diễn, quay phim tại Trường Sân khấu điện ảnh, được tiếp xúc với nhiều nghệ sỹ, đạo diễn, nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Đinh Đăng Định, Khắc Hường, Mai Nam… Phan bỗng vỡ lẽ ra rằng, hoá ra mình chưa hiểu gì về cái gọi là ảnh nghệ thuật và tất cả những gì anh làm từ trước tới nay chưa thể “chạm” tới nó. Một buổi đang đi lang thang ngắm phố phường Hà Nội, Phan tình cờ gặp gỡ và quen với nghệ sỹ Hà Tường-người được dân trong nghề gọi là “vua chơi ánh sáng”, vốn là một thợ sửa chữa cơ khí, không hiểu “nguồn cơn” nào bỗng chuyển nghề. Ông đặc biệt nghiêm túc và khắt khe về ánh sáng với các yêu cầu đòi hỏi cao của ảnh nghệ thuật, nhưng vô cùng nhiệt tình, cởi mở chứ không hề “giấu nghề, giữ nghề”.

Những lần theo nghệ sỹ đi sáng tác, Phan học được ở ông sự kiên trì, yêu nghề đến mức…khủng khiếp, có khi ông ngồi “phục” 2-3 tiếng đồng hồ, thậm chí mất nhiều ngày chỉ để chờ một khoảnh khắc; con mắt nhà nghề đến bất cứ miền đất nào ông cũng nhanh chóng tìm được ý tưởng, góc độ chụp rất đẹp. Phan trẻ tuổi hơn nhưng không mấy khi theo kịp, leo núi cao, đi bộ nhiều nhức mỏi chân mấy cũng không dám kêu vì sợ… bị đuổi về. Niềm đam mê và tinh thần cầu thị đã không phụ Phan. Năm 1999, lần đầu tiên Phan gửi ảnh dự liên hoan ảnh nghệ thuật 10 tỉnh đồng bằng Sông Hồng và Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc, tác phẩm “Đất Phù Lãng” và ‘Nhịp điệu ngày mùa” của anh giành HCĐ và HCB, thêm một số ảnh chọn treo là động lực khích lệ Phan đi chụp nhiều hơn; cũng trong năm đó, anh giành thêm giải Nhì, Triển lãm ảnh nghệ thuật Bắc Ninh.

Từ đó đến nay đã gần 10 năm nối tiếp Phan gặt hái thành công, nhiều tác phẩm như “Chiều Trung du”, “Được nắng”, “Soi bóng”, “Phơi gốm”, “Rơm lên đồng”… đã ghi dấu ấn trong lòng bạn xem. Đặc biệt năm 2008 có thể coi là năm được mùa giải thưởng của Trần Phan với HCB Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc; HCĐ khu vực đồng bằng Sông Hồng; 2 giải Ba cuộc thi Triển lãm ảnh nghệ thuật Bắc Ninh-Lạng Sơn; Cúp Đồng (giải thưởng của các giải thưởng) do Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) trao tặng. Nhiếp ảnh gia Trần Phan tâm sự: “Đó là một năm ghi nhiều xúc động với tôi, những giải thưởng đến trong hoàn cảnh tôi chăm sóc vợ nằm liệt 6 tháng trên giường bệnh. Nó cũng khác những lần trước mỗi lần lên nhận giải đều có vợ đi cùng chia vui. Những giải thưởng của tôi có sự đóng góp rất lớn từ sự ủng hộ của cô ấy, tuy đang bệnh, không vận động và nói được, nhưng khi cầm giấy thông báo nhận giải, vợ tôi đã khóc. Giá trị các giải thưởng không lớn, nhưng có thể coi là sự tri ân với khán giả, sự biết ơn chân thành của tôi với người bạn đời…”.

Trần Phan quan niệm, nghệ thuật trong nhiếp ảnh được hiểu, nhìn nhận về thế giới xung quanh một cách sáng tạo và độc đáo, hướng người ta tới cái đẹp hoàn mỹ của tâm hồn. Có một lúc nào đó, người ta khao khát giữ lại một khoảnh khắc mãnh liệt, nhiếp ảnh sẽ giúp ta nhắc lại điều ấy với những cảm xúc tràn đầy sự sống. Có một điều mà ít người để ý, đó là mặc dù đi sáng tác ở nhiều nơi, song đa số những bức ảnh đoạt giải của anh đều chụp tại Bắc Ninh. Phan không đánh giá quá cao về mình, nhưng anh đã đến với nhiếp ảnh bằng sự mách bảo của cả trái tim và tâm hồn.

Trần Phan bảo: “Thoắt cái mà đã ngót 50 cái xuân…không còn xanh, cuộc đời mình khá lận đận, nhưng nếu có thể trẻ lại, mình vẫn chọn nhiếp ảnh, kể cả chẳng có một giải thưởng nào, đơn giản chỉ để chụp nên và… ngắm nghía, thế thôi. Dạo này, có người nói Phan hình như mải… làm kinh tế nên ít đi, ít sáng tác hơn. Nhưng Phan không muốn “vấp” bánh xe của một số nghệ sỹ, tài thì thực tài, nhưng đến thân mình cũng không nuôi nổi, làm khổ cả vợ con. Phan muốn mình cũng là nghệ sỹ, nhưng là người nghệ sỹ hiện đại, trách nhiệm với gia đình, có thể làm mọi công việc chân chính để vừa “nuôi” đam mê nhiếp ảnh, vừa giúp đỡ vợ con…

Tôi chợt nhớ tới câu nói “lưu truyền” của dân chơi ảnh nghệ thuật “muốn làm cho thằng đó… nghèo thì tốt nhất sắm cho nó một cái máy ảnh và thổi vào đó niềm đam mê…”. Không thiếu nghệ sỹ đã “thiệt hại” nặng nề trong những lần đi sáng tác, rơi vỡ máy ảnh cả trăm triệu đồng, leo núi ngã gãy tay, vào rừng bị rắn cắn…, chưa kể nếu thuận lợi thì kinh phí mỗi chuyến đi/người cũng ngót chục triệu. Về điều này thì tôi thấy là Trần Phan đã đúng.

VAPA (Theo BÁO BẮC NINH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét