Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

(13) Nhiếp ảnh tối giản

  Nói về nghề
   Ứng dụng
 
02:50:50 PM | 27/12/2012
Nhiếp ảnh tối giản giảm lược tối đa các chi tiết trong ảnh, thể hiện bởi sự tự do hoàn toàn của trí tưởng tượng. Ảnh tối giản có thể giúp người xem tìm một “khoảng lặng”, sự bình yên hay chút cô đơn trong cuộc sống sôi động.
Nhiếp ảnh tối giản là gì?

Nhiếp ảnh tối giản hấp dẫn nhờ giảm lược chi tiết
Nhiếp ảnh tối giản (Minimalist Photography) là một trong những loại hình “nghệ thuật tối giản của thị giác”, lấy sự giản lược chi tiết, màu sắc, hình dạng, đường nét… làm sức hút của bức ảnh. Nhiếp ảnh tối giản xoay quanh khẩu hiệu “ít hơn là nhiều hơn” (Less is more) và một ví dụ dễ tưởng tượng cho thể loại này là: không có chi tiết nào ngoài một sọc sơn màu trền mảnh vải trắng.
Ảnh tối giản trông có vẻ đơn điệu, bao gồm một, hai chủ thể chính nổi bật trên phông nền chi tiết giản đơn. Nhưng chứa đựng những thông điệp hết sức cô đọng và sâu lắng. Gợi mở cảm xúc hay sự cô đơn trong chính tâm hồn mỗi người xem. Chủ đề chính của ảnh tối giản có thể là ảnh tĩnh hay ảnh động, người hay vật, màu sắc hay đơn sắc, những vật dụng thường ngày hay những chi tiết trên cơ thể con người…
Nhưng không dễ để truyền đạt thông tin vào những bức ảnh ít chi tiết, bởi sự đơn giản luôn khó thể hiện nhất. Do đó, để chụp những bức ảnh tối giản cần sự tư duy và chí tưởng tượng của người chụp nhiều hơn việc nắm bắt khoảnh khắc. Qua bài viết này, hy vọng bạn sẽ tìm được cảm ứng và “khoảng lặng” trong cuộc sống sôi động đầy bon chen… và để nhận thấy “đôi khi dù chỉ nhìn thấy một chút nhưng ngẫm lại rất nhiều điều”.
Tìm kiếm chủ đề
Mọi sự vật hiện tượng đều có thể trở thành chủ đề của ảnh tối giản
Như đã nói ở trên, bất cứ yếu tố nào cũng có thể khai thác làm chủ đề trong ảnh tối giản. Nhưng đừng phụ thuộc vào điều này và thay tìm kiếm trong căn phòng của mình bạn hãy ra ngoài để tìm những chất liệu mới. Luôn xác định tìm kiếm với cách chụp đơn giản, tối thiểu về hình dạng, đường nét, màu sắc, không gian trống trải, nhìn lên, nhìn xuống và đi bộ chậm. Các đồ vật trên đường có thể dễ dàng đưa vào ảnh tối giản như biển báo, ghế đá, bức tường, chiếc lá… Bạn cũng có thể khai thác các chủ đề sau:
Ảnh tối giản theo đường nét
Các đường nét: Đây có thể là những đường thẳng, đường chéo lắp đi lặp lại cùng tông màu, có thể thấy trên các con đường hay những logo, mang lại cảm giác gai góc, mạnh mẽ cho bức ảnh. Khai thác hình ảnh theo cách này rất dễ cho ảnh đẹp.
Khai thác các con số trong ảnh tối giản
Số và chữ: Những con số và chữ cái đứng riêng khi được chụp một cách độc đáo theo nhiếp ảnh tối giản có thể mang một nội dung nào đó. Như việc cân nhắc đến ý nghĩa cuộc sống hay sự cô đơn…
Sự kết hợp của những màu sắc đối lập
Màu sắc: Trong ảnh tối giản không thể thiếu những bức ảnh có màu sắc và độ tương phản giữa các màu. Sự kết hợp này không loại trừ một chủ thể trong một mảng màu mà có thể kết hợp trong 2 tông màu đối lập. Hơn nữa, biểu cảm của người hay trạng thái của vật thể cũng quyết định thành công của bức ảnh.
Ảnh cùng tông đơn điệu mà sâu sắc
Ảnh cùng tông trắng: Những bức ảnh tối giản có chủ thể và phần nền cùng một tông trắng, chỉ nổi nhẹ các chi tiết và đường nét lại rất cuốn hút mắt nhìn. Nếu bạn lên kết hoạch chụp những bức ảnh ý tưởng này cần chú ý bóng đổ của hình ảnh, không để bóng quá đen.
Cảm hứng với Texture
Những bức tường, trần nhà Texture: Cung cấp cho bức ảnh cảm giác mạnh hơn, với kết cấu pha trộn phức tạp mà giản đơn để mang thông điệp cho bức ảnh.
Nguyên tắc 1/3 sử dụng nhiều trong ảnh tối giản
Nguyên tắc một phần ba: Đây cũng là nguyên tắc chung trong luật bố cục. Về cơ bản, nguyên tắc này tạo cho bức ảnh cân bằng rõ rằng hơn khi phân chia không gian (phần ngang hay dọc chia ba). Chủ thể luôn được đặt vào tâm đường giao điểm để nổi bật và hút mắt. Đây là nguyên tắc bố cục được sử dụng nhiều nhất trong nhiếp ảnh tối giản vì tạo hiệu quả cho phần nền đơn giản chiếm không gian lớn. Qua đó, thông tin cần đưa tới người xem hiệu quả hơn.
Một số kinh nghiệm khi chụp ảnh tối giản
Không cần xử lý ảnh tối giản quá kỹ lưỡng ở phần hậu kỳ
1. Đơn giản không phải là thuộc tính vật lý, đó là một khái niệm rõ ràng cần suy nghĩ trước khi bấm máy.
2. Khi chụp ảnh ngoại cảnh, đừng mọng đợi bạn sẽ chụp được gì mà hãy chụp những gì bạn đã chuẩn bị.
3. Luôn mang theo những thiết bị đơn giản. Khi suy nghĩ việc sử dụng thiết bị, có thể nghĩ thêm về hình ảnh.
4. Khi chọn một chủ đề cụ thể hãy khám phá bằng nhiều cách và góc độ qua chiếc máy ảnh.
5. Chụp cận và loại trừ những chi tiết dư thừa trong khuôn hình tối giản.
6. Chọn chủ đề có “tiếng nói” về nội dung để bức ảnh thuyết phục hơn.
7. Đặt chủ thể trong những “điểm vàng” và sử dụng tối đa không gian trống.
8. Không cần xử lý quá kỹ lưỡng ở phần hậu kỳ vì mỗi bức ảnh này đã là một ảnh đơn giản.
9. Bạn luôn có thể tìm thất sự đơn giản ngay trong những khung cảnh hỗn loạn nhất.
10. Hãy sáng tạo và đột phá cùng nhiếp ảnh tối giản.

Theo Nguyễn Huyền (dientutieudung.vn)

(12) 21 kiểu tạo dáng trong chụp ảnh “gợi cảm”

  Nói về nghề
   Ứng dụng
 
09:51:40 AM | 10/12/2012

Ảnh gợi cảm (glamour photography) là một trong những thể loại ảnh gần với ảnh nude và bán nude, hiện đang trở thành một xu hướng khi mà các phương tiện truyền thông và ngành công nghiệp quảng cáo ngày càng khai thác mạnh các chủ đề "thời trang" và "sexy". Biết chụp loại ảnh này là nhu cầu của không ít tay máy.
 Với nhận thức dần "thoáng" hơn của công chúng về những gì có thể chấp nhận được, xu hướng này thúc đẩy nhu cầu về nhiếp ảnh gợi cảm tự nhiên trở nên phổ biến. Các studio chuyên chụp ảnh quyến rũ đang mở ra ngày càng nhiều với các nhiếp ảnh gia làm việc cùng với các chuyên gia tạo mẫu tóc chuyên nghiệp và các nghệ sĩ trang điểm để mang lại trải nghiệm là "người mẫu thời trang" cho các khách hàng của họ. Rất nhiều phụ nữ ở nhiều lứa tuổi tìm đến dịch vụ này để ghi lại một thời xuân sắc.
Nhiếp ảnh gợi cảm hoặc nhiếp ảnh quyến rũ đều chủ yếu tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, bằng trang phục và phụ kiện, bằng các kiểu tóc và trang điểm, bằng đèn flash và tạo dáng, bằng các ý tưởng và cách thể hiện tâm trạng…, mỗi yếu tố đều góp phần của mình vào sự khác biệt của bức ảnh. Để có những bức ảnh quyến rũ và gợi cảm, nhiếp ảnh gia chụp loại ảnh này phải nghiên cứu và trải nghiệm nhiều, dựa trên sự thay đổi và kết hợp các yếu tố trên.
Các mẫu tạo dáng trong bài viết này là phần tiếp theo trong chuỗi bài các tư thế  tạo dáng trong chụp ảnh chân dung chúng tôi đã giới thiệu, phỏng theo các mẫu tạo dáng do tác giả Kaspars Grinvalds cung cấp trên trang posingapp.com (hiện có ứng dụng trên Apple Store) và được giới thiệu bởi Digital-Photography School. Bạn có thể sử dụng các mẫu tạo dáng này như là điểm khởi đầu, ý tưởng cho những shot hình chụp chân dung gợi cảm của bạn, từ đó bạn có thể tự sáng tạo thêm.
1. Một mẫu tạo dáng khởi đầu khá tốt cho một bức ảnh gợi cảm, phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau: người mẫu có thể nằm trên giường, trên mặt đất, trên thảm cỏ, hoặc trên một bãi biển đầy cát trắng.
2. Chỉ là một biến thể khác khi người mẫu ở tư thế nằm sấp xuống, có thể áp dụng với hầu hết các dạng cơ thể, dễ che các khiếm khuyết của cơ thể.
3. Kiểu tạo dáng này khá dễ thương, được chụp từ một góc thấp. Hãy đề nghị người mẫu giữ cho phần trên cơ thể hơi nâng lên, nhưng phần đầu hơi nghiêng xuống, hai chân co và các ngón chân hướng lên trên một cách duyên dáng.
4. Với kiểu tạo dáng này, bạn cần để ý một số chi tiết trước khi chụp: cánh tay chống lên phải tách ra khỏi phần thân trên của người mẫu để lộ rõ hơn đường nét cơ thể, chú ý cơ bụng của người mẫu không được lộ rõ hoặc ở góc nhìn xấu, hai chân để duỗi dài với chân phía trên hơi co lại một cách tự nhiên. Kiểu tạo dáng này chỉ thích hợp với người có cơ thể mảnh mai.
5. Kiểu ảnh này sẽ không dễ chụp, để chụp thành công, bạn phải chú ý rà soát tất cả các bộ phận cơ thể - bàn tay, đầu, eo lưng (tránh nếp nhăn da), phần hông và cuối cùng là phần chân.
6. Đây là một kiểu tạo dáng dáng để chụp ngoài trời. Hãy đề nghị người mẫu của bạn nằm xuống, thể hiện đường cong của lưng và đôi chân co duỗi tự nhiên.
7. Mẫu tạo dáng này thích hợp với người mẫu nằm trên mặt đất. Phần trên cơ thể hơi nâng lên và ánh mắt người mẫu nhìn lại qua vai. Kiểu này có thể áp dụng với nhiều vóc dáng cơ thể khác nhau. Hãy thử các góc độ khác nhau và tìm vị trí tốt nhất bằng cách di chuyển từ từ xung quanh người mẫu.
8. Kiểu tạo dáng này khá dễ chụp và đơn giản, nhấn mạnh vẻ nữ tính của chủ thể. Bạn cũng có thể áp dụng kiểu này khi tạo một hình bóng trên nền sáng (kiểu chụp silhouette).
9. Đây là một mẫu tạo dáng tốt cho chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật, bạn có thể thay đổi các vị trí chân, tay và đầu khác nhau để có những kiểu ảnh mới.  
10. Trong bức ảnh này, người mẫu cần ngồi trên cả hai chân và bàn chân nhưng chỉ ngồi nhẹ thôi, không được tì hẳn trọng lượng cơ thể lên chân, mắt người mẫu nhìn qua vai, tóc thả nhẹ. 
11. Kiểu này cũng khá dễ chụp đẹp, áp dụng tốt với các mức thiết lập khác nhau, cả trong nhà và ngoài trời. Cũng thích hợp khi chụp đổ bóng trên nền sáng. 
12. Đây sẽ là một kiểu ảnh rất đẹp nếu được thực hiện đúng cách. Việc định vị đôi chân chính xác là rất quan trọng. Áp dụng đặc biệt tốt với tất cả các loại vóc dáng cơ thể. Cũng lưu ý rằng bạn nên chụp từ một góc độ hơi cao.
13. Bức ảnh này thì khá khó chụp, vị trí chân là yếu tố quyết định cho kết quả tốt. Cẩn thận hướng dẫn người mẫu của bạn với các tư thế dự định. Nhớ rằng đôi giày cao gót là điểm nhấn cho kiểu ảnh này.
14. Một tư thế tạo dáng đơn giản mà gợi cảm. Hãy chắc chắn rằng khuôn mặt của người mẫu không bị che lấp bởi tay hoặc vai, ánh mắt nhìn xuống cơ thể, giúp tạo ra tâm trạng đặc biệt lãng mạn. Phần khuỷu tay nâng lên nên hướng ra khỏi máy ảnh, nghĩa là không nhìn thấy đầu khuỷu tay.
15. Nếu thành công, kiểu tạo dáng này rất nữ tính và tinh tế. Hãy nhớ rằng nhiếp ảnh gợi cảm hay khỏa thân đều không loại trừ việc sử dụng một số đạo cụ. Đôi khi chỉ một mảnh vải đơn giản cũng có thể là một phụ kiện tuyệt vời cho một bức ảnh thuộc chủ đề này. Như vậy, người mẫu có thể che đi một phần cơ thể.
16. Một trong những "đạo cụ" hữu ích để tạo ra những bức ảnh khác biệt là một bức tường (hoặc cũng có thể là một vật nào khác có tính chất tương tự, như một gốc cây, cầu thang…). Bức tường được sử dụng để người mẫu có thể tì tay lên, hoặc dựa lưng, chống chân… 
17. Kiểu ảnh này chụp toàn thân người mẫu tựa vào tường. Bạn có thể ứng dụng để chụp từ nhiều góc độ khác nhau. 
18. Đây là một biến thể của kiểu ảnh trên, bạn thay đổi góc chụp và chụp từ phía sau.
19. Một kiểu tạo dáng tinh tế dành cho những người mẫu có thân hình mảnh mai và săn chắc. Từ kiểu này bạn có thể linh hoạt thay đổi các tư thế của chân, tay, đầu…, nhưng cần lưu ý người mẫu tạo dáng sao cho đường cong cơ thể tạo thành hình chữ S, xoay hông và thay đổi vị trí tay. Hãy để cô ấy quay đầu theo những hướng khác nhau.
20. Sử dụng một tấm vải mỏng nhẹ để làm đạo cụ trong kiểu tạo dáng này, bạn sẽ nhận được những bức ảnh lãng mạn. Sẽ rất tuyệt vời nếu ảnh được chụp ở ngoài trời trong thời tiết gió lộng. 
21. Một ý tưởng tốt cho nhiếp ảnh gợi cảm, đó là chụp trên một cánh đồng rộng lớn với không gian mở, ví dụ như một cánh đồng ngô hoặc đồng cỏ hoa dại hoặc thậm chí trong một khung cảnh hoang vắng. Cũng với một tấm vải làm đạo cụ, bạn sẽ có một số bức ảnh thú vị và duyên dáng.
Xin nhắc lại, mỗi mẫu tạo dáng được giới thiệu ở đây chỉ là gợi ý ban đầu để từ đó bạn có thể sáng tạo thêm. Hãy luôn động viên để người mẫu của bạn có thể biểu hiện khuôn mặt khác nhau, những nụ cười, cách quay đầu, tay và vị trí chân, xoay người, thay đổi trọng tâm cơ thể... Ngoài ra, luôn luôn ghi nhớ để chụp từ các góc độ khác nhau (từ trên xuống, từ dưới lên, phải và trái), hãy thử thay đổi khoảng cách của bạn đến chủ đề, thay đổi kiểu chiếu sáng, hãy thử các loại crop để có bức ảnh mong muốn. Sau tất cả, luôn thử và rút kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn.


Theo Đông Phong (vnreview.vn)

(11) 21 mẫu tạo dáng trong chụp ảnh tập thể

 Nói về nghề
   Ứng dụng 

09:59:03 AM | 12/11/2012


Chụp ảnh cho một tập thể hay một nhóm đông người có cần phải tạo dáng, hay chỉ đơn giản là xếp vào hàng cho ngay ngắn? Để có những bức ảnh tập thể đáng nhớ, bạn có thể tham khảo bài viết này.


Lần này chúng tôi giới thiệu tiếp các mẫu tạo dáng (pose) khi chụp ảnh các nhóm người hoặc tập thể. Các mẫu tạo dáng này do tác giả Kaspars Grinvalds cung cấp trên trang posingapp.com(hiện có ứng dụng trên Apple Store) và được giới thiệu bởiDigital-Photography School.


Thường có ba loại chụp ảnh nhóm. Đầu tiên là những bức ảnh "nghiêm túc" chụp một tập thể nhiều người. Tiếp đó là những bức ảnh thoải mái hơn, vui vẻ hơn giữa những người bạn. Cuối cùng là chụp ảnh cho một nhóm người thân, các thành viên trong gia đình. Theo thứ tự này, chúng ta hãy xem một số ý tưởng tạo dáng.


1. Khi làm việc với một nhóm đông người, bạn sẽ không thể kiểm soát được biểu hiện hay cách tạo dáng của từng người. Để có bức ảnh tốt, bạn cần chú ý đến tổng thể bức ảnh. Hãy tưởng tượng cả nhóm là một đối tượng duy nhất. Về cơ bản, hãy chắc chắn rằng tất cả mọi người trong nhóm đều được nhìn thấy trên ảnh là được.





2. Khi chụp ảnh các nhóm lớn, bạn sẽ phải chụp xa và lấy toàn thân để có thể đảm bảo tất cả mọi người đều được lấy vào khuôn hình. Thường với những bức ảnh nghiêm túc và mang tính chất "tư liệu" này, mục tiêu chính của bạn là đảm bảo tất cả mọi người trong nhóm đều được nhìn thấy rõ ràng.





3. Nếu có thể, hãy tìm cách để chụp từ một góc độ cao, chẳng hạn như trèo lên một ban công hoặc leo lên một chiếc xe hơi để có được một tầm nhìn cao hơn và chụp hướng xuống. Cách này chắc chắn sẽ hiệu quả, bởi vì thay vì bức ảnh khô cứng thông thường, bạn sẽ nhận được một góc nhìn thú vị và hấp dẫn hơn. Chú ý để mọi người trong ảnh cảm thấy thoải mái, và đừng quá cao khiến mọi người phải ngửa cổ để nhìn vào máy ảnh.





4. Có nhiều khi việc tách một nhóm lớn thành những nhóm nhỏ sẽ thích hợp hơn là tất cả cùng chen chúc trong một bức ảnh. Kiểu ảnh này có thể ứng dụng tốt khi chụp một nhóm bạn thân, ví dụ như những người trong một ban nhạc hoặc các đồng nghiệp trong một dự án. Nếu trong nhóm có một lãnh đạo hoặc trưởng nhóm, hãy để anh ấy hoặc cô ấy đứng ở phía trước để tạo điểm nhấn.





5. Kiểu ảnh này khá dễ chụp khi chụp một nhóm bạn. Mọi người chỉ cần thể hiện sự vui vẻ và thoải mái, mang lại cảm giác dễ chịu cho người xem.





6. Kiểu ảnh này thích hợp để chụp một sự kiện vui vẻ của một nhóm bạn. Hãy đề nghị tất cả mọi người đứng thật gần nhau, sau đó mỗi người nghiêng đầu một chút vào nhau và cùng nhìn vào máy ảnh, có thể khoác vai để thêm độ thân mật.





7. Yêu cầu cả nhóm nằm trên cỏ ngoài trời hoặc trên sàn nhà thành một vòng tròn và bạn chụp từ trên cao. Nụ cười vui vẻ của mọi người sẽ là điểm thu hút của bức ảnh.





8. Kiểu ảnh này rất thú vị và bổ ích khi chụp một nhóm nhỏ. Chọn một "trưởng nhóm" và đưa người đó ra phía trước, những người còn lại đan xen nhau nghiêng người về hai phía, sao cho người đứng sau hướng về phía máy ảnh qua vai người đứng trước, có thể hơi tựa vào người đứng trước một chút để tạo thêm sự thân ái giữa những người bạn.





9. Một biến thể của kiểu trước. Đặt một "trưởng nhóm" ở phía trước và những người khác xuất hiện lần lượt ở phía sau. Chụp ảnh với các thiết lập khẩu độ khác nhau và lựa chọn sau này nếu bạn thích một hoặc tất cả mọi người trong ảnh đều được lấy nét.





10. Cách tạo dáng này rất thú vị khi chụp ảnh ngoài trời với một nhóm bạn, chẳng hạn trong một chuyến dã ngoại trong rừng hoặc đi dạo trên bãi biển. Để có kết quả tốt nhất, yêu cầu nhóm chạy một đoạn ngắn và sau đó cùng nhảy lên. Bức ảnh sẽ rất funny và tạo không khí vui vẻ cho cả nhóm.





11. Khi muốn chụp nhóm người đứng trong một hàng, hãy thử dùng kiểu này. Chụp từ một khoảng cách gần với khẩu độ rộng và tập trung lấy nét vào người đầu tiên, đảm bảo là mọi người trong ảnh đều được nhìn thấy. Mặc dù những người ở xa sẽ bị mờ, nhưng họ vẫn sẽ đồng ý rằng kết quả là một kiểu ảnh chụp nhóm rất thú vị và khác thường.





12. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét một số mẫu chụp ảnh trong gia đình. Cách phổ biến nhất để chụp ảnh tất cả các thành viên gia đình là mọi người cùng ngồi trên một chiếc ghế trong phòng khách. Dù đây không phải là cách sáng tạo nhất để chụp một bức ảnh gia đình, nhưng kết quả cũng khá tốt. Cách dễ nhất để cải thiện những bức ảnh kiểu này chỉ đơn giản là cắt cúp thật chặt. Không cần phải đưa cái ghế cũng như nội thất của phòng khách vào trong ảnh, chỉ cần có đầy đủ các thành viên trong gia đình là được.





13. Một ý tưởng tốt cho những bức ảnh gia đình chỉ đơn giản là chụp ngoài trời. Cả nhà có thể ngồi trên bãi cỏ, trong một công viên hoặc trên một bãi biển - tất cả những nơi tuyệt vời để có một số bức ảnh gia đình. Chỉ cần nhớ, khi đối tượng của bạn đang ngồi thì bạn đừng có đứng, hãy quỳ xuống thấp và chụp ngang tầm mắt của mọi người.





14. Một gia đình nằm gần nhau trên mặt đất. Mọi người hơi nhô nửa người phía trên và dùng tay làm điểm tựa. Chụp họ từ một góc thấp.





15. Kiểu ảnh này có thể được thực hiện ngoài trời trên mặt đất hoặc trên một chiếc giường trong nhà, thích hợp khi chụp trẻ em và số trẻ em có thể thay đổi tùy ý.





16. Một kiểu ảnh ấm cúng khi cả gia đình ngồi thoải mái trên chiếc ghế yêu thích.





17. Cũng với chiếc ghế của gia đình, nhưng thay vì chụp từ phía trước, bạn có thể xoay ngược ghế và chụp từ lưng ghế. Hình ảnh khác với thông thường này có thể mang lại một ấn tượng mới mẻ và thích thú.





18. Một biến thể khác khi chụp ảnh từ phía sau của chiếc ghế.





19. Bức ảnh này sẽ rất đẹp khi chụp ngoài trời. Chỉ cần yêu cầu các em bé trèo lên lưng của người lớn.





20. Nếu muốn chụp toàn thân, kiểu ảnh này cũng rất dễ chụp và thích hợp với số lượng người khác nhau.





21. Chụp cả gia đình đi bộ tay trong tay. Nên chụp ở chế độ chụp liên tiếp và chọn ra bức ảnh cho các vị trí và cử động chân tốt nhất. Hãy nhớ kiểm soát một điểm lấy nét vì các đối tượng sẽ di chuyển tiến lại gần bạn.





Và cuối cùng, hãy sáng tạo với các biến thể khác nhau của riêng bạn. Hãy suy nghĩ về cách bạn có thể thay đổi cho phù hợp với kịch bản chụp cụ thể và đối tượng của bạn.


Một số kinh nghiệm khi chụp ảnh nhóm người


- Chuẩn bị trước kịch bản để xác định bạn sẽ chụp ai, chụp ở đâu… để lên sẵn một số ý tưởng.


- Nếu bức ảnh bạn chụp không phải để liệt kê cho đủ các khuôn mặt, mà để thể hiện tâm trạng và sự thân tình của mọi người trong nhóm, hãy để mọi người thật thoải mái và động viên họ thể hiện các ngôn ngữ cơ thể như giơ tay, nghiêng đầu, choàng vai… Luôn nhớ cố gắng tách từng người trong ảnh và bố trí họ ở các độ cao thấp khác nhau, có thể theo nguyên tắc hình tam giác, trong đó mỗi khuôn mặt nằm ở một đỉnh của hình tam giác, điều này sẽ tạo ra độ sâu cho ảnh và mỗi người trong ảnh đều được thể hiện cá tính riêng.


- Bạn có thể vào một cửa hàng bán CD và liếc nhìn các bìa CD chụp các nhóm nhạc và bạn sẽ tìm thấy một vài kiểu tạo dáng mà bạn chưa nghĩ tới, sau đó áp dụng linh hoạt cho bức ảnh của bạn.











Theo Đông Phong (vnreview.vn)