Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

(28) NSNA Nguyễn Văn Thanh – luôn trẻ trung trong sáng tạo nghệ thuật

Nguồn sưu tầm : http://vapa.vn/news/52/27695/default.aspx

18/10/2012



NSNA Nguyễn Văn Thanh 

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Văn Thanh đến tuổi nghỉ hưu mới bước vào ngành nhiếp ảnh nghệ thuật. Niềm say mê nghệ thuật nhiếp ảnh vốn đã tiềm ẩn trong tâm hồn anh khi đang còn là một chiến sĩ công an. Năm 1982 đến 1983 Nguyễn Văn Thanh được đi học nghiệp vụ tại Liên Xô (cũ). Trong chương trình nghiên cứu, học tập có bộ môn học về phương pháp chụp ảnh phục vụ công tác tư liệu, điều tra hình sự ... Nhờ có những khoá học như vậy mà Nguyễn Văn Thanh đã tiếp thu được những kiến thức cơ bản ban đầu về kỹ thuật chụp ảnh, tuy nhiên chỉ giới hạn trong lĩnh vực chụp tài liệu, ảnh lưu niệm.



Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thanh sinh năm 1937, quê quán Sơn Trường, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nguyễn Văn Thanh tâm sự : "Tôi rất đam ê môn chụp ảnh nhưng thời gian còn tại chức do quá bận nhiều công tác chuyên môn nên tôi không thể có điều kiện đi thực tế sáng tác ảnh nghệ thuật. Tháng 9 năm 1998, khi đang ở cấp bậc Thượng tá, tôi được Bộ Công an ký quyết định nghỉ hưu theo chế độ tôi mới có cơ hội để cầm máy để cùng anh em chụp ảnh nghệ thuật.
Với bản tính lạc quan, hòa đồng, chịu thương chịu khó cùng sự kiên trì, nhẫn nại, Nguyễn Văn Thanh đã cùng giới nhiếp ảnh tỉnh nhà lặn lội trên nhiều miền đất nước từ biển, đầm phá, đồng bằng đến núi rừng xa xôi heo hút để sáng tác. Những nỗ lực tác nghiệp của anh đã không phí công sức, cuối năm 1999 tại cuộc thi "Huế đẹp năm 2000" tác phẩm ảnh nghệ thuật "Hoa Xuân" đoạt giải Ba và tác phẩm "Đường nét Tam Giang" được chọn triển lãm. Cũng trong năm này, tác phẩm "Đêm Giao Thừa" được chọn triển lãm Aính nghệ thuật Toàn quốc tại Hà Nội và 4 tác phẩm khác được chọn triển lãm tại Liên Hoan ảnh Nghệ thuật 6 tỉnh khu vực Bắc miền Trung. Với thành tích bước đầu này đã giúp Nguyễn Văn Thanh tự tin hơn với tay nghề, chuẩn bị cho các cuộc hành trình mới khác vào con đường nghệ thuật khi tuổi đời đã ngoài sáu mươi.
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thanh cho biết anh rất tâm đắc với mảng đề tài về những thành tựu của đất nước trong sự nghiệp đổi mới dưới đường lối của Đảng. Ngoài các chuyến đi vào thiên nhiên, cuộc sống đời thường, Nguyên Văn Thanh tập trung săn ảnh nghệ thuật ở một số công trình trọng điểm của tỉnh nhà như Cảng Chân Mây, Khu công nghiệp Phú Bài, công trình nâng cấp sân bay Phú Bài, các cây cầu mới xây dựng như cầu Chợ Dinh, cầu Tuần, cầu Trường Hà ... Chính sự chú tâm về các lĩnh vực công trường, nhà máy, các công trình công nghiệp mới trên quê hương Thừa Thiên Huế mà Nguyễn Văn Thanh đã có gần 2000 bức ảnh thời sự nghệ thuật được đăng tải trên các báo chí trong và ngoài tỉnh như : báo Thừa Thiên Huế, Văn Hoá, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Pháp Luật, Huế Xưa Và Nay ... Trong 4 năm liền từ 2000 đến 2003 Nguyễn Văn Thanh liên tục được báo Thừa Thiên Huế khen tặng cộng tác viên xuất sắc trên lĩnh vực ảnh thời sự.
Nhìn lại quá trình hoạt động sáng tác nhiếp ảnh nghệ thuật của NguyễnVăn Thanh, những người quan tâm đến công việc của anh không khỏi thầm thán phục. Chỉ trong một thời gian không dài, từ khi bắt đầu cầm máy đến nay, Nguyễn Văn Thanh đã gặt hái một số thành quả đáng trân trọng như sau: 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 4 giải Khuyến khích; 42 ảnh được chọn trong các cuộc thi từ trung ương, khu vực, địa phương; 94 tác phẩm khác được chọn trưng bày tại các thời điểm có những sự kiện quan trọng của đất nước và tỉnh nhà như: 23 ảnh thời sự nghệ thuật về hậu quả "cơn lũ thế kỷ" 1999; 20 tác phẩm năm 2000 về thực hiện Di chúc Bác; 12 tác phẩm triển lãm giới thiệu về những thành tựu của tỉnh nhà tại Bảo Tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; 29 tác phẩm ảnh nghệ thuật sáng tác từ nguồn cảm hứng Festival Huế 2002; 4 tác phẩm ảnh nghệ thuật tại Vườn Quốc gia Bạch Mã về du lịch sinh thái; 6 tác phẩm ảnh nghệ thuật nhân ngày kỷ niệm 20 năm ngành Văn Hoá Thông tin.

Sự nhiệt thành, tâm huyết với nghề của Nguyễn Văn Thanh đã là niềm tin cậy của các đồng nghiệp nhiếp ảnh thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, vừa qua anh đã được các thành viên trong Câu lạc bộ Nhiếp Ảnh Thành phố Huế thuộc Nhà Văn Hoá Huế bầu làm Chủ nhiệm. Công chúng thưởng ngoạn loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh cũng rất tâm đắc với những tác phẩm của anh từ các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cũng như ảnh báo chí. Cách xử lý ánh sáng, bố cục góc độ cùng nội dung tác phẩm có một sự nhuần nhị, thống nhất tạo được hiệu quả nghệ thuật; tạo nguồn xúc cảm chân thật cho người xem. Với Nguyễn Văn Thanh mặc dầu đã ở tuổi lão thành nhưng dưới góc nhìn của người viết bài này, anh vẫn còn những sức bật mới, trẻ trung trong lao động sáng tác, trong phong cách thể hiện nội dung tác phẩm ảnh nghệ thuật. Ngày 30.10.2003, gia đình, tổ chức, đồng nghiệp, bạn bè từ trên nhiều miền đất nước đã hân hoan chúc mừng nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thanh được kết nạp vào Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam.


Trân trọng giới thiệu một số tác phẩm của NSNA Nguyễn Văn Thanh:

Chị Trần Thị Thuý - Phủ Cam, Huế vượt lên tật nguyền

Hoa Xuân

Nem Huế

Chợ quê Thủy Thanh

Sen Hồng


Trổ tài đầu xuân

Theo Võ Quê (Hội Văn học Nghệ thuật Huế)

(27) NSNA Trần Hướng – duyên nợ với nhiếp ảnh

Nguồn sưu tầm : http://vapa.vn/news/52/27776/default.aspx

13/11/2012



NSNA Trần Hướng

NSNA Trần Hướng, sinh năm 1964. Quê quán: Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh, hiện anh là Chánh văn phòng - Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh. Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh năm 1996, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2002.



Trần Hướng từng là người thợ vẽ, thợ chỉnh sửa ảnh thủ công. Năm 1991 anh học quay phim (Khóa VII - Hệ Nghệ thuật ngắn hạn của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội), sau đó anh làm cộng tác viên cho các báo, tạp chí, Đài PTTH của tỉnh. Đến năm 1999 anh học và tốt nghiệp Khóa II – Khoa Nhiếp ảnh, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Từ năm 2003 đến nay anh công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh.
NSNA Trần Hướng đã có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật, báo chí được giới thiệu trên các báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương. Anh đã đoạt giải B của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2011 cho Phim tài liệu “Trần Danh Viện - Nhạc sĩ của dòng La”.



Những tác phẩm tiêu biểu:


- Sao biển- giải C của UBTQ liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Huy chương Bạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung (năm2002).- Chiều buông- Giải Khuyến khích Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 22.- Lão ngư - Huy chương Bạc – Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung lần thứ XI.- Dưới mặt trời xanh; Tiếp thêm sức mạnh - Huy chương Đồng Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung lần thứ VIII và XV.- Đến với Việt Nam – giải Ba Triển lãm ảnh “Bưu điện Việt Nam nhìn lại một chặng đường đổi mới vững bước tiến vào thế kỉ 21” (năm2001).- SOS tại Trường SOS - giải Ba cuộc thi ảnh “Giáo dục môi trường và sự phát triển bền vững” của Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam (năm 2001).- Tiếng rừng – giải Khuyến khích cuộc thi ảnh “Các vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam” (năm 2003)- Bến cá – giải Khuyến khích Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung lần thứ XVI.- Nhịp điệu công trình – giải Nhì cuộc thi và triển lãm Ảnh nghệ thuật Hà Tĩnh lần thứ III.- Giải thưởng (C; B và B) VHNT Nguyễn Du lần thứ III; IV và V.


Trân trọng giới thiệu một số tác phẩm của NSNA Trần Hướng: 

Chiều buông

Dưới mặt trời xanh 

Đến với Việt Nam

Lão ngư

Nhịp điệu công trình
  

Theo vanhocnghethuathatinh.org.vn

(26) Đặng Quang Khương – Nhiếp ảnh là nơi chia sẻ những cảm xúc tinh thần

Nguồn sưu tầm : http://vapa.vn/news/52/27806/default.aspx

23/11/2012



NSNA Đặng Quang Khương

NSNA Đặng Quang Khương, sinh năm 1960. Quê quán: Bạc Liêu. Đặng Quang Khương cầm máy từ năm 1982 và vào Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 1994. Anh là một thành viên trong gia đình có đến 6 nghệ sĩ nhiếp ảnh. Có lẽ vì vậy mà nhiếp ảnh nghệ thuật đối với anh không chỉ là đam mê của chính bản thân mình, mà có gì đó thật thiêng liêng khi nhiếp ảnh cũng là nơi chia sẻ và đồng cảm những cảm xúc tinh thần của người thân trong gia đình.




Đi nhiều nơi, sáng tác qua nhiều vùng đất, nhưng cảm hứng khi đứng chân trên mảnh đất quê hương Bạc Liêu và Cà Mau đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn như ngày đầu tiên bước vào chơi ảnh nghệ thuật. Cũng là cảnh những con người lao động chân chất với đồng lúa, ruộng muối; xóm biển nhọc nhằn, hay cánh cò chấp chới bay nơi chót mũi Cà Mau… nhưng ở mỗi thời điểm đến sau, anh lại càng phát hiện một nét nhìn mới và lại dùng ống kính của mình ghi dấu một vẻ đẹp mới của quê hương. Không từ chối nhịp ồn ào của cuộc sống đi lên, nhưng anh yêu thích hơn không gian miền quê yên bình của miền Tây hồn hậu.
Những tác phẩm tiêu biểu của anh: “Chuyển mạ cấy” – Triển lãm toàn quốc (1986), “Đồng vàng” – Giải đặc biệt Đồng bằng sông Cửu Long (1990), “Về thăm Đất Mũi” – Giải Nhì tỉnh Minh Hải (1993), “Thông tin hôm nay” – Giải Ba tỉnh Minh Hải (1995), “Nhộn nhịp ngày mùa” – Huy chương Đồng bằng sông Cửu Long (1997)…



Trân trọng giới thiệu một số tác phẩm của NSNA Đặng Quang Khương:

Chủ nhật xanh

Được mùa

Cánh đồng vàng

Xóm biển


Theo Bảo Linh (Baoanhdatmui.vn)

(25) “Điện Biên Phủ trên không”: Những khoảnh khắc không thể quên

Nguồn sưu tầm : http://vapa.vn/news/52/27864/default.aspx

25/12/2012



Pháo thủ số 1 Phan Tuấn Thi, khẩu đội 4, phân đội 2 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô (1972)

Là phóng viên ảnh TTXVN, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã trực tiếp ghi lại những khoảnh khắc sống động về Hà Nội những ngày đạn bom. Với ông, mỗi bức ảnh đều rất sinh động về ý chí quật cường của người Hà Nội và giá trị không thể phủ nhận của chiến thắng lịch sử B52 đầy oanh liệt.



- PV: Người ta nói nhiều đến sự bình tĩnh lạ thường của người Hà Nội trước những trận ném bom ác liệt của máy bay B52 bên cạnh hình ảnh của Hà Nội đổ nát. Ông khi ấy thì sao?
- NSNA Chu Chí Thành: Ông Đỗ Phượng, Giám đốc TTXVN giai đoạn đó đã nói với cánh phóng viên ảnh chúng tôi trước khi giao nhiệm vụ: nếu chúng tôi hy sinh sẽ được phong liệt sỹ. Chúng tôi nghe thấy thế chỉ cười vì chúng tôi muốn sống để ghi lại hình ảnh của Hà Nội, nhưng nếu chuyện không may đó xảy ra thì chúng tôi sẽ chấp nhận như một lẽ tất nhiên. Trước những đợt ném bom B52, mọi người đều chạy xuống hầm trú ẩn nhưng riêng cánh phóng viên ảnh luôn đứng trên mặt hầm chờ đợi giây phút máy bay bị bắn rơi. Người nào sang lắm thì có ống kính Tele còn phần lớn là ống kính bình thường. Đứng như thế rất nguy hiểm, có thể chết bất cứ lúc nào.
- Chờ đợi nguy hiểm, ông có được đền đáp bằng cảnh máy bay B52 bị bắn, sáng rực một góc trời Hà Nội?
- Tuy không chụp được cảnh máy bay bị bắn hạ vào ban đêm nhưng tôi lại chụp được xác máy bay và phi công Mỹ bị bắn rơi trên cánh đồng cà chua ở Định Công. Anh ta còn rất trẻ, trong hành lý của viên phi công này còn tìm thấy tấm ảnh chụp cô vợ đang cười rất xinh. Tôi tự đặt câu hỏi: vì lý do gì mà anh ta chết vô lý tại Việt Nam. Anh ta và những người Mỹ đến Việt Nam tham chiến đều bị lừa. Cuộc chiến tranh này không chỉ gây đau thương cho người Việt Nam mà còn với chính người Mỹ.
- Chứng kiến những thời khắc của cuộc chiến B52, ký ức về một thời đạn bom của Hà Nội còn đọng lại trong ông đến hôm nay là gì?
- Thực tế B52 đã gây ấn tượng với tôi ở 2 mặt đối lập. Một mặt tôi thấy cảm phục tinh thần chiến đấu ngoan cường của các lực lượng chiến đấu chống B52 của quân đội ta. Trước những đợt ném bom B52, pháo cao xạ của ta đã bắn trả quyết liệt. Tiếng pháo gầm vang đã cổ vũ tinh thần của những người Hà Nội và cũng là điểm tựa để họ đặt niềm tin vào chiến thắng của quân và dân ta. Theo lệnh của cơ quan, tôi đã có mặt ở Khâm Thiên vào ngày 27-12-1972. Trước mặt tôi lúc đó là hàng chục chiếc quan tài được chở đến, có người mất chân, người mất tay, ít ai được toàn vẹn cơ thể.
Tôi đi trong đống đổ nát và chứng kiến những người dân Hà Nội bới trong đống gạch lấy rá vo gạo, nhặt những hạt gạo trộn lẫn vôi gạch mà thấy xót xa cho tình cảnh của nhân dân mình lúc đó. Khi ra đến ngoài đường, tôi lại được chứng kiến cảnh người dân kéo nhau đi sơ tán đông nghịt. Và trong dòng người hối hả, tấp nập đó, tôi đã bắt gặp một cụ già ôm bu gà, đầu đội chiếc nón rách trên một chiếc xích lô cũ kỹ, xung quanh mọi người đang chạy dồn dập. Xúc động trước hình ảnh tiêu biểu cho nỗi khổ của người dân trong cuộc đánh phá của máy bay B52, tôi đã chụp được hình ảnh này và năm 2007 đem trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) đã làm công chúng rất ấn tượng.


Một đường hầm bị sập. Bác sỹ và y tá bệnh viện đang bàn cách cứu các nạn nhân còn lại trong hầm 



- Được biết, ngay sau khi lệnh ngừng bắn được ban hành, ông đã tổ chức đám cưới như một cách ăn mừng?
- Với tôi, lệnh ngừng bắn được ban hành đồng nghĩa với việc tôi và người yêu không chết, là được sống trong ngày tháng hòa bình và không lo nơm nớp cái chết bất thình lình. Chúng tôi đã từng trải qua thời khắc giữa sự sống và cái chết trong đợt ném bom ngày 26-12-1972. Ngồi trong hầm trú ẩn ở phố Quốc Tử Giám mà người tôi run lên khi nghe tiếng bom B52 bên phố Khâm Thiên.
Tôi đã từng thoát chết trong đợt ném bom B52 ở Quảng Bình nên có thể hình dung được sự khốc liệt của nó. Nhưng người yêu tôi không hiểu. Cô ấy hỏi tại sao người tôi lại run bắn lên như thế và tôi chỉ im lặng để chờ đợi điều may mắn sẽ xảy ra. Tôi và người yêu đã nên nghĩa vợ chồng chỉ sau đó 3 tuần. Vợ tôi là người Hà Nội nên trong đám cưới, cô mặc một bộ áo dài trắng, còn tôi thì mặc comple đen, tay cầm một bó hồng bạch. Sau lễ cưới ít lâu, tôi đã nhận được lệnh của cơ quan lên đường vào Quảng Trị chụp cảnh trao trả tù binh.


Anh chị em và bạn bè đến mừng đám cưới của phóng viên Chu Chí Thành sau chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không



- Những bức ảnh ông chụp cảnh trao trả tù binh tại Quảng Trị có thể được coi là đỉnh cao cho tinh thần chiến thắng B52 không, thưa ông?
- Với một người phóng viên trẻ như tôi khi ấy được chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc lịch sử đầy xúc động mãi mãi không thể nào quên và là chất liệu đầy sinh động cho những tác phẩm giàu cảm xúc ra đời. Nhờ có chiến thắng B52 mà những người lính bị giam cầm, bị tra tấn dã man tại nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc… được trở về bên bờ Bắc và thoát khỏi cảnh ngục tù. Bộ đội của ta đi đón anh em ai cũng khóc, khi thuyền đã vào đến gần bờ, người trên bờ lao ào ra sông, còn người trên xuồng vội nhảy xuống để ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi.
Không tiếc tay, tôi bấm máy liên tục để không vuột mất những hình ảnh quý giá. Đặc biệt, cuộc gặp mặt cảm động giữa vợ chồng anh Minh Khang, người chiến sỹ quả cảm đã bị địch “cưa sống” chân bằng lưỡi cưa gỗ và chị Hà bên bờ sông Thạch Hãn đã được tôi chụp 1 kiểu duy nhất nhưng là bức ảnh chốt cho bộ ảnh trao trả tù bình. Nếu như không có chiến thắng B52, vợ chồng họ không biết đến ngày nào mới có ngày gặp lại. Và chiến thắng B52 đã tạo thêm thế và lực cho Việt Nam trên bàn ngoại giao.
- Theo ông, chiến thắng B52 có ý nghĩa ra sao trong thời bình ngày nay?
- Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, lớp trẻ cần sự tỉnh táo, tìm cho mình con đường đi thích hợp và không bị cám dỗ bởi đồng tiền. Hãy sống để đền đáp sự hy sinh của những người đã ngã xuống trong “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Phạm Thu Hương (Anninhthudo.vn)

(24) “Nghệ thuật của khoảnh khắc” - Cuốn sách bổ ích cho giới nhiếp ảnh

Nguồn sưu tầm : http://vapa.vn/news/52/27716/default.aspx

25/10/2012



Ở Việt Nam, đi tìm một cuốn sách viết về Nhiếp ảnh quả là gian nan vì số người viết về lĩnh vực này quá ít. Một cuốn sách mang tầm cỡ “soi đường” cho giới cầm máy sáng tác càng không nhiều. Đôi khi sách chỉ là những bài viết, bài lý luận - phê bình nhiếp ảnh đã được đăng tải trên các báo, tạp chí, được tác giả tuyển chọn, tổng hợp in thành sách. Sách giống như một dấu ấn kỷ niệm về chặng đường cầm bút của người viết nên nội dung ít nhiều mang tính chủ quan. Đôi khi cái “tôi” quá lớn.



Trái với nhận định nêu trên, mới đây tôi có đọc cuốn sách "Nghệ thuật của khoảnh khắc" của Nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Nhà nghiên cứu Lý luận - phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Huy Hoàng. Sách dày 305 trang, gồm 4 phần, 10 chương. Do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành.
Đọc đi, đọc lại tôi thấy, đây là một công trình nghiên cứu, công phu với những kinh nghiệm thực tiễn lâu dài từ một tác giả đã có nhiều năm làm báo, nghiên cứu về nhiếp ảnh.
Với cái “Tâm” của người lâu nay “đau đáu” về ảnh báo chí Việt Nam, sách như mở ra cho người đọc hiểu biết thêm về giá trị vàng của ảnh “khoảnh khắc”. Tác giả đã phân tích khá kĩ lưỡng về những dấu hiệu giống và khác nhau giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Có những lúc, tác giả muốn tâm tình về cái “Tâm” nghề nghiệp của người chụp ảnh báo chí đối với thế hệ đi sau. Khi công nghệ kỹ thuật số, trong đó phải kể đến phần mềm chỉnh sửa ảnh photoshop đã ảnh hưởng phần nào đến tính chân thực của ảnh báo chí hiện nay.
Cuốn sách còn giúp người đọc hiểu về lịch sử Nhiếp ảnh báo chí thế giới, cũng như ảnh báo chí nước nhà qua hai cuộc kháng chiến oanh liệt. Các nhà báo, những người cầm máy ảnh của Việt Nam trong lịch sử, để có được những tấm ảnh chân thực, sinh động nhất về lịch sử hào hùng của dân tộc, thậm chí đã phải đánh đổi cả tính mạng của mình.
Sách có in kèm những ảnh tác giả dày công sưu tầm, minh họa. Tác giả cũng trực tiếp phân tích tính tài liệu và tính học thuật của những bức ảnh đó, làm người đọc hiểu thêm, cuốn hút hơn.
"Nghệ thuật của khoảnh khắc" là một cuốn sách hay, cuốn cẩm nang bổ ích và cần thiết cho những ai yêu nghệ thuật Nhiếp ảnh, mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về ảnh báo chí của Việt Nam hôm nay.

Tiến Thành

(23) NSNA Nguyễn Bảo Sơn – chất thơ trong từng bức ảnh

Nguồn sưu tầm : http://vapa.vn/news/52/27721/default.aspx

25/10/2012



NSNA Nguyễn Bảo Sơn

Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Sơn, sinh năm 1971, Quê quán: Phan Rang- Ninh Thuận, Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận.



Ảnh nghệ thuật của Nguyễn Bảo Sơn mang đậm chất thơ, bàng bạc khói sương, phảng phất nét đẹp sắc màu tranh thủy mặc. Anh là một trong những nghệ sĩ thành danh trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và khu vực Miền Đông Nam Bộ.


Tác phẩm tiêu biểu: “Chiều về” - Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2006; “Con đường mới” - Giải C của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam năm 2007; “Vị ngọt” - Huy Chương Đồng ảnh nghệ thuật Miền Đông Nam Bộ năm 2011.



Một số tác phẩm của NSNA Nguyễn Bảo Sơn:


Chiều về

Con đường mới

Vị ngọt

Nung gốm

Giọt nắng chiều

Chiều quê

Bám biển

Eo biển Cà Ná

Bến thu

Nhớ rừng

Theo Báo điện tử Ninh Thuận

(22) Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng: Những bước đi quên tuổi tác

Nguồn sưu tầm : http://vapa.vn/news/52/27743/default.aspx

02/11/2012



Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng

Nghệ sĩ Lê Vượng "chơi" ảnh từ tuổi "mười bảy bẻ gãy sừng trâu", đến nay trên 70 năm có thừa ông mới ra một cuốn sách ảnh. "Những khoảnh khắc" do Picture Art Foundation và NXB Mỹ thuật xuất bản không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng vốn sống và những kinh nghiệm tích lũy của nghệ sĩ Lê Vượng bao năm theo đuổi nhiếp ảnh.



Ở tuổi 95, nghệ sĩ nhiếp ảnh NSNA Lê Vượng chưa một phút ngơi nghỉ, vẫn hào hứng trên những dặm dài, dọc ngang đất nước cùng các đồng nghiệp trẻ trong CLB Nhiếp ảnh Hồng Hà và CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi. Trong những chuyến đi, Lê Vượng vẫn tiếp tục "cóp nhặt" để lại cho đời những "hoa thơm", "mật ngọt" qua cách nhìn, cách cảm sâu lắng ở một con người từng trải mà vẫn hồn nhiên tươi rói, mới mẻ như ngày nào.
Sáng tác của NSNA Lê Vượng chủ yếu là mảng đề tài ngợi ca đất nước, con người Việt Nam. Trong hàng vạn âm bản có giá trị nghệ thuật, ông chỉ lọc lấy khoảng 200 tác phẩm tiêu biểu về văn hóa, dân tộc, lễ hội… để tuyển vào cuốn sách ảnh "Những khoảnh khắc" mà ông hằng mơ ước. Cuốn sách gồm hai phần: "Dặm dài đất nước" và "Những sắc màu dân tộc".

Hà Nội xưa

NSNA Lê Vượng tâm sự: "Tôi sinh năm ngựa (Mậu Ngọ - 1918), rất thích đi đây đi đó", nên "Dặm dài đất nước" là sở trường, là ước nguyện, là thú vui của ông. Ông đi khắp mọi nẻo đường, không biết mệt mỏi, quên cả tuổi già. Mới hôm nào gặp ông ở chòm Lũng Cú, trên cao nguyên đá Đồng Văn - mõm cực Bắc của Tổ quốc, giờ lại thấy ông lần bước trên đỉnh Hàm Rồng (Sa Pa). Bạn bè vừa chào ông đang say sưa ngắm nhìn "Hồ Gươm trong sương sớm", đã thấy ông hướng ống kính vào cổng làng cổ Đường Lâm. Ông vừa cùng CLB Hồng Hà tìm góc độ cho những tấm ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tháng sau đã gặp ông ở rừng đước, rừng tràm miền sông nước Cửu Long. NSNA Lê Vượng đến với duyên hải miền Trung của sông Hương, núi Ngự, của bến cá Sa Huỳnh, tháp Chàm Phan Rang, đồi cát Mũi Né rồi ngược lên Tây Nguyên với hồ Lăk, Tơ Nưng, với rừng cao su, cà phê, với xứ sở của voi đàn, của chim ch'rao gọi bạn. Ông còn theo tiếng gọi tâm linh, từ Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt) vội vàng về với đất Phật Yên Tử… chụp những bức về đình, chùa, miếu mạo thật sắc nét.

Phố cổ

NSNA Lê Vượng là người lịch lãm, cởi mở, rất dễ gần, dễ mến. Những chuyến đi thâm nhập vào làng quê gợi niềm cảm hứng bất tận trong ông. Ông nói rằng, ở đấy ông nhìn thấy cội nguồn văn hóa Việt. Cuộc sống giản dị của làng quê, những nét văn hóa lễ hội, cái thuần phác, chân chất của làng cổ… là những chất men tạo dựng nên những tác phẩm của ông. Bởi vậy, ông khá thành công trong những bức chụp phong cảnh đất nước. Chúng có những đường nét và sự tương phản màu sắc rất nghệ thuật và đòi hỏi sự công phu.

Hà Nội xưa

Thời gian cứ trôi đi, đất nước bao đổi thay, nhưng những gì ông ghi được trong "Những sắc màu dân tộc" là bằng chứng về một nền văn hóa đa sắc tộc phong phú của Việt Nam. Nó vừa là dấu ấn tâm hồn, vừa là dấu ấn lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số. Ảnh dân tộc của Lê Vượng luôn đa dạng, giàu chất tư liệu nhưng không quá sa đà vào các tiểu tiết mà tập trung vào nét đặc trưng, khái quát mở cho người xem một thế giới tạo hình đẹp. "Những sắc màu dân tộc" không đi vào từng dân tộc mà tập trung theo nhóm hệ ngôn ngữ: Tày, Nùng, La Hú, La Ha, Dao, Thái, Ê đê, M'Nông, Cơ Tu, Xê Đăng… Qua những chi tiết về trang phục, nhà ở, nhạc cụ, công cụ sản xuất mà NSNA Lê Vượng ghi lại có thể dễ dàng phân biệt được từng dân tộc qua nét đặc trưng.

 Nhà bia Văn Miếu 



Đất nước con người qua ống kính của NSNA Lê Vượng rất thuần phác, tự nhiên, không gượng gạo, gò ép. Đó là những con người sống tại tâm, yêu cuộc sống thanh bình. Tác phẩm của ông không chuộng sự "ồn ào", "góc cạnh" mà chủ yếu là sự khám phá. Ông cho rằng, sự khám phá nhỏ cũng là nét thẩm mỹ lớn.
Thành công của những tác phẩm trong cuốn sách ảnh "Những khoảnh khắc" không đơn giản là kỹ thuật mà bắt nguồn từ nhiều yếu tố: am tường, trải nghiệm, tư duy tình cảm nhạy bén. Vì thế, ảnh của Lê Vượng đã làm nhiều con tim rung động.

Theo Hà Nội mới

(21) NSNA Trần Minh Hoàng - ngày càng giữ vững phong độ sáng tác

Nguồn sưu tầm : http://vapa.vn/news/52/27821/default.aspx

05/12/2012



NSNA Trần Minh Hoàng

NSNA Trần Minh Hoàng, sinh năm 1947, quê quán Long Điền, Bạc Liêu. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật cả nước, nhiếp ảnh Bạc Liêu ngày một lớn mạnh với sự góp mặt của rất nhiều tay máy trẻ. Bên cạnh đó, những tay máy đàn anh vẫn giữ vững phong độ và ngày càng chín muồi trong cách thâm nhập cuộc sống. Trần Minh Hoàng, tuy thành tích còn khá khiêm tốn trong tròn chục năm chơi ảnh, nhưng sự miệt mài, kiên nhẫn và lối sống chan hòa, tình cảm với đồng nghiệp, bạn ảnh đã khiến mọi người xem ông – người “anh cả” của nhiếp ảnh huyện Đông Hải – như một trong những người chơi ảnh “đàn anh”. Minh chứng là, bắt đầu tham gia sinh hoạt nhiếp ảnh năm 1997 thì chỉ hai năm sau đó, ông được tin cậy bầu làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ huyện Giá Rai, rồi Chủ nhiệm Câu lạc bộ huyện Đông Hải từ năm 2002 đến nay.



Hiện nay, đã bước qua tuổi sáu mươi, ông vừa làm trách nhiệm quản lý và phát triển hoạt động của câu lạc bộ, vừa làm người thợ chụp ảnh dịch vụ ở thị trấn Gành Hào. Tuổi cao, công việc khá bận rộn nhưng ông vẫn rất dẻo dai khi thực hiện những chuyến sáng tác xa nhà, và những lúc cầm máy sáng tác ảnh đã giúp ông xua tan những mệt mỏi thường ngày. Cảnh sống, lao động của con người thường nhật, đặc biệt là ở những miền quê miệt vườn hay biển đảo, với những khoảnh khắc không hề gợi lên sự khó nhọc, vất vả mà đẹp đẽ như một bức tranh nóng hổi và sinh động hơi thở sự sống – là đề tài yêu thích của Trần Minh Hoàng. Mà trước hết, hình ảnh Đông Hải – Bạc Liêu quê hương nổi lên đầu tiên trong những tác phẩm của ông.
Những tác phẩm tiêu biểu: “Hoa biển” - Giải Nhì tỉnh Bạc Liêu (2000), “Cho kịp thời gian” - Giải Khuyến khích tỉnh Bạc Liêu (2004), “Chuẩn bị ra khơi”, “Công trình kè ven biển” - Giải Nhất huyện Đông Hải (2004) và (2005), “Biển gọi” - Triển lãm ảnh quốc tế lần thứ 4 tại Việt Nam - VN-07), Huy chương Vàng Đồng bằng sông Cửu Long (2011), tại Bạc Liêu với tác phẩm “Thép ra lò”…



Trân trọng giới thiệu một số tác phẩm của NSNA Trần Minh Hoàng:

Công việc thường ngày

Cho kịp thời gian

Thêm những con tàu mới

Mùa cá trích

Hoa cá hố


Theo Baoanhdatmui.vn

(20) NSNA Trần Thanh Toàn - không bỏ qua một khoảnh khắc gây ấn tượng nào

Nguồn sưu tầm : http://vapa.vn/news/52/27829/default.aspx

07/12/2012



NSNA Trần Thanh Toàn

NSNA Trần Thanh Toàn sinh năm 1968, quê quán: Huyện Giá Rai, Tỉnh Bạc Liêu. Thanh Toàn đến với nhiếp ảnh từ rất sớm, năm 1991, nhưng khi đó cầm máy chỉ là một cái nghề mưu sinh đơn thuần như bao nhiêu nghề nghiệp khác trong xã hội. Rồi rất tình cờ, anh làm quen với nhiếp ảnh nghệ thuật trong một lần đi "sáng tác" với người bạn nghề báo.



Nhìn những bức ảnh đầu tiên được gọi là tác phẩm đúng nghĩa do chính mình tạo ra dù chưa độc đáo, Thanh Toàn thấy thích và dần dần đam mê nhiếp ảnh nghệ thuật lúc nào không hay. Anh yêu vẻ đẹp cuộc sống bình dị và sức sống đi lên ngày càng tràn đầy trên quê hương mình. Tranh thủ đi, đi nhiều và không bỏ qua một khoảnh khắc nào gây ấn tượng mạnh mẽ với bản thân, song Thanh Toàn yêu hơn cả là mảnh đất quê anh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chỉ qua một lần thử đi sáng tác đã khiến anh thấy thích nhiếp ảnh nghệ thuật, có lẽ chính do nơi anh sinh ra và lớn lên, những cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay yên bình tươi đẹp, vốn đã nuôi dưỡng trong anh tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp của cuộc sống và sau này anh đã dùng ống kính biểu đạt những vẻ đẹp cảm nhận được xung quanh mình.
Thanh Toàn có nhiều tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi tỉnh, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và toàn quốc. Năm 2004, anh được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Từ một thợ ảnh dịch vụ chuyển sang chụp ảnh nghệ thuật là không khó, nhưng để trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh thực thụ thì quả thật không dễ, phải trải qua chặng đường lao động đầy vất vả và phải gặt hái thành tích từ những cuộc thi ảnh đầy gắt gao. Vài năm nay, tuy đã khá quen với chuyện đoạt giải thưởng nhưng anh vẫn luôn tâm niệm điều đó để tự nhủ bản thân tiếp tục phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa trên con đường nghệ thuật đã lựa chọn.


Trân trọng giới thiệu một số tác phẩm đoạt giải tiêu biểu của anh:

Quê hương thanh bình – Giải Khuyến khích ĐBSCL 2005

Ươm tôm công nghiệp – Huy chương Đồng ĐBSCL 2001

Khung trời mới – Triển lãm Toàn quốc 2000

Nối nhịp đôi bờ – Huy chương Bạc ĐBSCL 2003

Khẩn hoang – Giải Khuyến khích ĐBSCL 2001



Theo Thái Thanh (Baoanhdatmui)